TIN TỨC - SỰ KIỆN
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 1
Số lượt truy cập: 7112126
QUẢNG CÁO
CÂU CHUYỆN: HOA XƯƠNG RỒNG TRÊN CÁT 4/7/2017 8:00:44 PM
Tôi không sinh ra từ đất biển nhưng tôi yêu biển vô cùng bởi lẽ biển đã cất giữ cho tôi những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ - những ngày đầu tôi bước chân vào nghề dạy học.

                

 Tôi còn nhớ đó là một ngày chớm thu, cầm tờ quyết định trên tay mà lòng tôi nặng trĩu. Nơi tôi công tác không phải là chốn thị thành rộn ràng, tấp nập mà là một vùng quê đất biển nghèo, heo hút.

          Ngày ấy, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 4A . Lớp chỉ có 28 học sinh, nhìn đứa nào cũng đen nhẻm vì rám nắng biển, áo quần nhếch nhác khiến cho tôi chưa kịp cân bằng cảm xúc thì lòng lại dậy sóng.Bước vào lớp, thay vì tràng pháo tay rộn ràng chào đón như lúc tôi nhận lớp thực tập là những khuôn mặt lấm lét nhìn tôi. Lạ thay những ánh mắt rụt rè đó như có một sức vô hình khiến cho tôi cảm thấy mình rắn rỏi vững vàng hơn. Tôi gọi tên điểm danh từng em một, tiếng “Dạ có” rụt rè cứ nối tiếp nhau nghe dễ thương đến tội nghiệp. Cho đến khi cái tên Hoàng Thị Bình An được xướng lên và kèm sau đó là lời đáp trả cộc lốc: “Có” khiến cho tôi phải giật mình, nhìn về chỗ ngồi của em tôi bắt gặp ánh mắt lạnh lùng của một cô học trò nhỏ nhắn, da đen, tóc cháy nắng nhưng khuôn mặt lại rất đáng yêu. Đến bên em, tôi nhẹ nhàng :

   -Lần sau trả lời cô hay người lớn em phải dạ, thưa như các bạn, không nên trả lời cộc lốc như vậy  nghe em.

Bất ngờ tôi nhận được từ em cái cúi gầm, lời đáp trả không nghe rõ một điều gì đó đầy vẻ hằn học,.

Tôi chưa chuẩn bị tinh thần cho những tình huống đại loại như thế nên tôi thực sự bị sốc. Tôi bắt đầu có ấn tượng về An.

 Gia đình em sống bằng nghề đi biển, học lực của em đạt loại khá nhưng có lẽ điều khác biệt của em đối với những bạn khác là ở chỗ: em lầm lì ít nói, em không bao giờ chơi với bất kỳ ai trong hay ngoài lớp mà hình như các học sinh trong lớp cũng không muốn kết bạn với An, giờ ra chơi em chỉ lầm lũi một mình mặc cho các bạn khác vui đùa quên cả vào học. Tôi lấy làm lạ, nhiều lần tôi cố tình bắt chuyện với em nhưng em chẳng nói gì ngoài mấy lời cộc lốc hoặc là im lặng . Tôi lại càng buồn khi An thường hay nghỉ học, ít làm bài tập, ít phát biểu  và dường như không muốn trả lời ngay cả những câu hỏi đơn giản nhất. Có lúc tôi phát bực, có lúc tôi chán nản muốn buông xuôi khi nghĩ rằng: những năm trước em cũng thế, giờ có lẽ mình cũng không thay đổi được gì. Nhưng, lương tâm và nhiệt huyết của một giáo viên trẻ khiến tôi không thể làm ngơ.

       Việc đầu tiên tôi quyết định đổi chổ ngồi cho An để em ngồi gần một bạn học khá, có thể kèm cặp cho em trong học tập. Thế nhưng một điều khiến tôi không thể ngờ tới khi tất cả các trò khác không ai chịu ngồi cùng An. Các em đều nhăn mặt lắc đầu trong khi đó An càng lúc càng cúi gằm mặt xuống. Tôi liền bảo:

       - Vì sao các em không chịu ngồi cùng bạn?

 Chẳng ai trả lời. Chợt một bạn nam ngỗ nghịch đứng dậy thưa.

       - Thưa cô, bạn ấy hôi lắm ạ!

Cả lớp cười ồ lên còn An úp mặt xuống bàn. Tôi thực sự bối rối, càng bối rối hơn khi thấy đôi vai nhỏ của An run lên bần bật, tôi vội nói:

    - Nào, các en trật tự. Bây giờ cô sẽ kể cho các em nhe câu chuyện về chú chim sáo sạch sẽ:

   -  Trong khu rừng nọ có chú chim sáo rất ngại nước nên chú chẳng bao giờ chịu tắm rửa, người sáo không được thơm tho như các bạn nhưng các bạn sáo đã không bỏ bạn mình mà đã khuyên sáo nên tắm rửa mỗi ngày để được nhiều bạn yêu quý. Nghe lời khuyên của các bạn sáo về nhà tắm rửa sạch sẽ và từ đó sáo đã không bị các bạn bỏ rơi nữa. Các em thấy  các bạn của sáo ngoan không  không nào?

-   Dạ  có ạ! . Vậy các em có học tập được gương tốt của các bạn sáo không?

- Dạ  có ạ! Cả lớp đồng thanh đáp, riêng An vẫn lầm lì không nói.

Sau lần đó tôi quyết định về thăm gia đình An. Nhà em nằm ở cuối làng, phía sau những đồi phi lao nối dài tít tắp. Căn nhà tạm bợ, bề bộn, chỉ có những thứ đơn giản nhất phục vụ cho cuộc sống. Tiếp tôi là mẹ của An. Mẹ em gầy gò ốm yếu đến tội nghiệp. Bà chia sẻ:

     - Cả nhà tui chỉ sống bằng nghề đi biển, Bố nó sức khỏe lại yếu nên không đi khơi được, chỉ quanh quẩn gần bờ. Ngày ngày hai vợ chồng tui đi lộng trên biển, đêm đến thì đi lặn có khi một, hai giờ sáng mới về. Bữa đầy bữa vơi thất thường lắm cô ơi!

       Tôi thực sự đau lòng khi biết gia cảnh em nghèo khó.An dường như cáng đáng hết mọi việc trong nhà, kể cả việc chăm sóc 2 đứa em nhỏ. Với một học trò ở lứa tuổi ấy, vất vả cho em biết bao. Hèn gì ngay cả việc tự vệ sinh cho bản thân mình, em cũng không lo trọn. nhiều lúc em rất chán nản, rất muốn bỏ học vì hoàn cảnh gia đình mình.

          Tôi chia sẻ với mẹ An những chuyện trên lớp, động viên bà cố gắng dành thời gian chăm sóc An nhiều hơn…Bà cúi đầu nín lặng như cố giấu đi một nỗi khổ nào đó mà không thể nói ra. Hai d giọt  nước mắt khẽ lăn trên đôi gò má gầy gộc. Nhìn mẹ An, cái cảm giác chản nản, buồn tủi trong tôi bay đâu mất chỉ còn lại một tình thương vô bờ đối với người đàn bà ven biển, đối với gia đình An. Trong đầu tôi lóe lên ý nghĩ: Với tháng lương đầu tiên, tôi sẽ mua cho em bộ quần áo mới, chiếc cặp mới và cả những dụng cụ học tập…. Bao nhiêu dự định đầy ắp trong đầu của một giáo viên mới ra trường đang căng tràn nhiệt huyết khiến cho tôi háo hức . Như một gáo nước lạnh dội vào đầu khi người đàn ông bước vào. Không một câu chào hỏi, ông đã chan chát:

     -   Lại cô giáo đến nữa à! Bảo cô không cần phải đến. Ngày mai tau cho nó nghỉ học. Học làm gì. Học lắm rồi cũng chỉ bám biển mà ăn. Biết viết biết đọc là tốt rồi....Mẹ kiếp tiền đâu mà cho bây học mãi.

Một cô giáo còn non nớt như tôi, lại lớn lên trong một gia đình khá nề nếp thì trước những cảnh tượng như thế này đã làm tôi hoang mang. Tôi sợ quá nên chào ra về.

Trở về khu nội trú, tôi chia sẻ với các đồng nghiệp của mình về câu chuyện ban chiều với nỗi lòng hoang mang .  Một đêm thật dài, nằm nghe tiếng sóng biển rì rầm, tiếng nói sang sảng ,chát chúa của bố An , cả cái  bóng vụt chạy ra sau vườn nhà của An... tất cả,tất cả đó như động lực thôi thúc tôi phải biết làm gì.

Hôm sau, khi giờ học kết thúc, tôi quyết định đến nhà An một lần nữa.Người tôi cần gặp nhất là bố của An nên tôi đã chọn đúng giờ ông đi biển về. Vừa nhìn thấy tôi ông đã giận dữ, nói những lời thô lỗ như thể tôi là người có lỗi. Tôi cố nhẫn nhịn để tìm cơ hội cắt lời ông nhưng đều vô ích. Tôi đành bất lực, ra về trong thất bại. (Tôi lại tìm về với biển. Đứng trước biển tôi thấy mình thật bé nhỏ, tôi không đủ sức để gánh vác cuộc sống và tương lai của gia đình An bởi tôi nghĩ sống trong một gia đình như thế, một người cha thô lỗ cộc cằn như thế thì dẫu tôi có làm gì với An cũng vô ích. )Tôi quyết định bỏ cuộc.

Tưởng mình đã có thể thanh thản với quyết định này nhưng điều khiến tôi hụt hẫng là ngay ngày hôm sau, khi tôi bước chân vào lớp, chỗ ngồi của  An đã vắng bóng em. Như có gì thôi thúc từ bên trong tôi lại tìm em ngay sau khi buổi học kết thúc. Tôi ra tận bờ biển ngay chỗ con thuyền của bố mẹ An cập bến. Họ vừa bước xuống thuyền với vẻ mặt mệt mỏi bởi một ngày lao động mệt nhọc. Nhưng... có lẽ nặng nề hơn là thành quả một ngày lăn lộn với biển chỉ  gói gọn trong giỏ cá thế này đây.Bước đến gần họ, lòng tôi nhói đau. Bao nhiêu dự định, bao lời nói ấp ủ trên đường đến đây tôi định sẽ nói với họ nhưng rồi tan biến hết. Tôi chợt hiểu rằng  với một sức khỏe yếu ớt như thế và bằng những phương tiện đánh bắt thô sơ họ không thể kiếm được nhiều hơn ngoài một giỏ cá vơi .Làm sao ông có thể nuôi sống cả gia đình và cho các con ăn học với chừng ấy cá kiếm được.

Tôi nói như van xin:

      - Xin chú hãy cho cháu được giúp đỡ An, em ấy không đáng bị như thế!

Ông thôi nhìn tôi mà nhìn xa xăm ra biển, nhìn giỏ cả mẹ An xách trên tay, rồi ông đánh mắt về phía An đang  cầm cái bơi chèo, Bỗng nhiên ánh mắt của người đàn ông ấy dịu hẳn lại, ông nói với giọng đầy chua xót:

      - Tôi... bất lực rồi cô giáo ạ!

Tôi như lặng người đi, tôi hiểu ra bao nhiêu cơ sự, những gì tôi cảm nhận về ông chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài mà thôi.

 Cuối cùng ông đã đống ý cho An được đi học. Tôi mừng không kể xiết.( Nhìn mặt biển ánh lên dưới ráng chiều, tôi nở nụ mãn nguyện.)

Cũng từ đó, tôi dành  thời gian cho An nhiều hơn , ban đầu cũng khó khăn nhưng dần dần An cũng quý mến tôi. Những lúc rảnh rỗi, những ngày nghỉ ở khu nội trú tôi kèm cặp thêm cho em. Tôi còn vận động, tổ chức các nhóm bạn trong lớp thay nhau đến nhà An , cùng giúp em những công việc nhà và giảng bài cho An hiểu hơn. Đặc biệt nhờ các bạn nữ trong lớp gần gũi, giúp đỡ em. Tôi còn giao cho An những việc nhỏ trong tổ, trong lớp để An tham gia cùng các bạn. Thời gian trôi đi, An tiến bộ hẳn, em hay cười chơi đùa rất vui cùng các bạn hay mạnh dạn phát biểu hơn, kết quả học tập của em cũng khá lên rất nhiều.

Sau hai năm công tác ở đây, tôi có quyết định chuyển trường. Ngày tôi đến chia tay gia đình An, An úp mặt vào tôi khóc rưng rức. Mẹ An cầm trên tay gói cá cơm khô đưa cho tôi và nói trong nghẹn ngào:

     - Con An nó mang ơn cô nhiều lắm!  Rồi đây nó không biết nhờ vô ai đây?

... Nhà tôi không có gì ngoài nắm cá khô làm quà,...mong cô đừng từ chối.

Chưa bao giờ tôi thấy yêu biển, yêu những con người dân(mộc mạc, chân thành) nơi đây nhiều đến thế!

 

 

                                                                                      

GV: Phạm Thị Bạch Tuyết
TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Đoàn Thị Thanh Bình
Đoàn Thị Thanh Bình
Nguyễn Thị Thanh Diệp
Nguyễn Thị Thanh Diệp
Admin
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG TIỂU HỌC PHÚ THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3997401 - Email: thphuthuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com